
Trong cuộc sống hiện đại chúng ta sử dụng rất nhiều sản phẩm từ len và sợi. Những sản phẩm handmade này mang màu sắc đáng yêu và ngọt lịm tim. Nhưng ít ai biết rằng chúng được làm bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, phổ biến nhất là đan và móc, sau là thắt macrame hay đặc sắc hơn nữa là những mẫu thêu tay trên các chất liệu khác bằng len sợi… Bài viết này tập trung phân biệt đan và móc để bạn có cái nhìn tường tận hơn về 2 kỹ thuật thú vị này!
Tìm hiểu về Móc len và Đan len
Đan len và móc len đều là phương cách tạo ra sản phẩm thủ công bằng len hoặc sợi. Hai quá trình này có thể tạo ra áo len, khăn choàng, khăn choàng, chăn, khăn quàng cổ, mũ, găng tay, vớ, …vv

Móc len là gì?
Móc (tiếng anh gọi là Crochet) là một bộ môn đầy nghệ thuật đã ra đời từ rất lâu. Từ “Crochet” xuất phát trong tiếng Pháp, có nghĩa là “cây móc nhỏ”. Cây móc có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau: gỗ, nhựa, kim loại.
Móc là một thủ công nghệ thuật, người ta sử dụng cây móc để móc sợi và tạo ra các mũi khâu. Mỗi mũi khâu được hoàn thành trước khi chuyển sang cái tiếp theo.
Đan len là gì?
Đan (tiếng anh gọi là Knit), là phương pháp đan xen các vòng len hoặc sợi khác bằng que đan hoặc trên máy. Sản phẩm được tạo ra từ nhiều vòng sợi dạng đường hoặc ống, gọi là khâu. Đan giữ nhiều mũi khâu mở cùng một lúc trên que đan. Thường được thực hiện song song trên hai kim nhọn có cùng kích thước. Một kim giữ công việc đã hoàn thành, một kim còn lại tạo ra hàng tiếp theo. Đan cũng có thể được thực hiện trên kim đôi, khung dệt và máy móc. Các mũi khâu trong đan trông giống như lồng vào nhau hoặc một bím tóc.
Sự khác biệt giữa móc len và đan len
Mọi người đừng nhầm giữa Móc và Đan nhé. Hai bộ môn nghệ thuật này hoàn toàn khác nhau. Móc thì chỉ dùng một cây móc, còn Đan thì phải dùng đến 2 que lận. Và những người nào nhìn quen thì chỉ cần nhìn vào sản phẩm hẳn sẽ biết đó là Móc hay Đan.
- Dụng cụ: Đan sử dụng kim đan. Còn Móc dùng móc để móc.
- Nguyên liệu: Móc sử dụng nhiều sợi hơn đan.
- Mũi khâu: Đan len giữ nhiều mũi khâu mở cùng một lúc. Móc đóng một mũi khâu trước khi chuyển sang cái khác.
- Thời gian thực hiện: Móc len sẽ nhanh hoàn thành sản phẩm hơn là đan.
- Thành phẩm: Vì móc sử dụng nhiều sợi hơn nên mẫu sản phẩm tạo ra dày, nặng hơn.
- Độ khó: Móc dễ hơn đan và mất ít thời gian để học hơn.
Những bậc “lão làng” trong làng đan móc nhìn một sản phẩm sẽ biết ngay đâu là mẫu đan và đâu là mẫu móc. Còn với những người mới bắt đầu bước chân vào bộ môn này và cả những người “ngoại đạo” thì đan và móc khác nhau như thế nào vẫn là câu hỏi muôn thuở. Không ít người vẫn nhầm lẫn giữa sản phẩm đan và sản phẩm móc. Bảng so sánh dưới đây sẽ cho bạn cái nhìn cụ thể hơn.
ĐAN | MÓC | |
Công cụ | Dùng hai que có một (hoặc hai) đầu nhọn để tạo nên sản phẩm. Hai que đan có thể tách rời hoặc được nối với nhau bằng dây. | Dùng 1 que có đầu nhọn móc câu để làm nên sản phẩm. |
Các mũi cơ bản | Có rất nhiều mũi đan khác nhau cần nắm vững để tạo ra nhiều kiểu hoa văn khác nhau. | Có 7 mũi móc cơ bản nhưng cách vận dụng lại rất đa dạng, cho ra nhiều kiểu hoa văn đẹp mắt khác nhau. |
Sản phẩm | Sản phẩm có sự bồng mềm và mượt hơn so với móc. | Sản phẩm rất chắc tay, đứng dáng. |
Lấy ví dụ cụ thể thú bông len đan và thú bông len móc chẳng hạn. Thú bông len móc dễ tạo hình sản phẩm hơn nhưng thú bông len đan lại ôm mềm hơn, giặt cũng ít bị xù hơn.
Với hai kỹ thuật đan và móc, bạn có thể áp dụng linh động vào từng sản phẩm. Ví dụ như áo, tất, khăn… thì đan sẽ cho sản phẩm đẹp và mềm mại hơn, sờ vào cũng thích hơn. Còn với những sản phẩm yêu cầu độ cứng và góc cạnh như thú bông, túi xách, giày dép… thì sử dụng mũi móc sẽ đảm bảo thành phẩm chuẩn đẹp.
Vậy là mình đã giải thích rất chi tiết về sự khác biệt giữa đan len và móc len rồi. Hy vọng nó có thể giúp cho những người mới bắt đầu học đan móc len có cái nhìn tổng quan về nguyên liệu dụng cụ. Hẹn gặp lại mọi người trong các bài chia sẻ những tips riêng của mình khi mua/ sử dụng những sản phẩm liên quan đến đan móc len nhé!
Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm cụ thể trên Fanpage của chúng mình nhé !!!